500 triệu USD đầu tư kèm chính sách ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Môi trường Bảo Châu

Mục lục

Tin mừng cho các đơn vị phát triển dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Ngân hàng Đầu tư Châu Âu tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các dự án năng lượng xanh, tiếp tục hợp tác với Việt Nam theo Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP).

Trong buổi họp báo ngày 13/03 vừa qua với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Phó chủ tịch Nicola Beer, khẳng định rằng sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam trong việc huy động nguồn vốn, xây dựng cơ chế khuyến khích và cung cấp các giải pháp tài chính đổi mới để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Bà Nicola Beer gặp mặt cùng ông Trần Hồng Hà 

Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tập trung thúc đẩy các khoản vay ưu đãi cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh và năng lượng xanh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao đề xuất cung cấp các khoản vay tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi và các sáng kiến ​​lưới điện thông minh. Ngoài ra ông cũng đề xuất các dự án các dự án xanh mà ngân hàng có thể xem xét hỗ trợ tín dụng như giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030 và xây dựng đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc.

Trước đó vào buổi họp mặt với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), bà Nicola Beer cũng đã trao đổi với Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, về việc tăng cường hợp tác tài chính bền vững thông qua hỗ trợ kỹ thuật theo chương trình Hệ thống Tài chính Xanh ( Greening Financial System - GFS). Đây là chương trình nhằm mục đích giúp các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính tích hợp rủi ro khí hậu vào khuôn khổ pháp lý và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào tài chính bền vững. 

Bà Nicola Beer trao đổi cùng ông  Nguyễn Ngọc Cảnh

SBV dự kiến sẽ nhận được sự hỗ trợ để tăng cường quản lý rủi ro khí hậu, mở rộng tài chính xanh, thu hút đầu tư, áp dụng các thông lệ tốt nhất toàn cầu và phát triển các chính sách tài chính bền vững. EIB cam kết sẽ thiết lập khoản vay trị giá 500 triệu USD với Bộ Tài Chính Việt Nam để thực hiện hỗ trợ JETP. Với số tiền đầu tư này cùng với các chính sách ưu đãi trong Nghị định 58/2025/NĐ-CP, các đơn vị đang có dự tính phát triển dự án năng lượng xanh có lẽ đang rất là rục rịch trong thời điểm này.

Tuy nhiên, để có thể thực sự tối ưu nguồn lực này, Việt Nam sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ trong và ngoài nước để tránh lặp lại các sai lầm của các nước đi trước. Điển hình như Nam Phi và Indonesia. Cả hai nước đều đã ký kết JETP nhưng do thách thức trong việc chuyển đổi công nghệ, chính sách chưa được đồng bộ, sự phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính quốc tế cũng như thiếu sót trong quản lý nguồn vốn hiệu quả đã làm chậm đi đáng kể quá trình chuyển đổi này. Vậy cho dù được JETP hỗ trợ rất nhiều, Việt Nam cũng cần chủ động xây dựng chính sách phù hợp, huy động và quản lý nguồn lực hiệu quả cùng đảm bảo sự thống nhất giữa các bên để có thể đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững. 

Tham khảo những điều quan trọng trong Nghị định 58/2025/NĐ-CP tại đây

Toàn văn về Nghị định số 58/2025/NĐ-CP tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0915.549.148
Chat với chúng tôi
Chat qua Zalo
Xem chỉ đường