Dù đạt được những kết quả tích cực, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Một số chủ rừng đặc biệt là chính quyền cấp xã có tỷ lệ giải ngân thấp, việc áp dụng các kỹ thuật lâm sinh tiên tiến còn hạn chế. Đáng chú ý, phần lớn các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng sống tại vùng khó khăn, mức chi trả tính theo diện tích rừng còn thấp nên hiệu quả tác động trực tiếp tới đời sống chưa rõ nét.

Trước những hạn chế nêu trên, hội nghị đã thống nhất một số phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới như: đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật cho cộng đồng, cải thiện quy trình lập và phê duyệt kế hoạch tài chính cho các chủ rừng; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền và đơn vị kỹ thuật; đồng thời đề xuất điều chỉnh mức chi trả phù hợp để đảm bảo tính hấp dẫn và bền vững của chương trình.

Thông qua chương trình ERPA, Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với bảo tồn thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống cho người dân miền núi. Đây không chỉ là hướng đi phù hợp với xu thế quốc tế, mà còn góp phần khẳng định vai trò tiên phong của tỉnh trong các sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ.