Rừng Sác - Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM) được mệnh danh "lá phổi xanh" của TP.HCM, có tiềm năng lớn trong việc tạo ra và giao dịch tín chỉ carbon, đặc biệt là loại "blue carbon" (carbon xanh lam).

Giao dịch được thực hiện theo hai hình thức là hợp đồng song phương giữa các bên liên quan, hay qua sàn giao dịch carbon trong nước. Giao dịch chỉ được trao đổi, chuyển nhượng lượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lượng kết quả giảm phát thải hoặc tín chỉ carbon rừng được cung ứng theo quy định pháp luật.

Hình thức chi trả gồm trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, chi trả trực tiếp là bên sử dụng dịch vụ trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ theo hợp đồng hoặc theo cơ chế vận hành sàn giao dịch carbon trong nước; chỉ trả gián tiếp là bên sử dụng dịch vụ trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo hợp đồng giữa đại diện bên cung ứng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo nghị định cũng quy định mức chi trả. Mức chi trả là giá trao đổi, chuyển nhượng 1 tấn CO2 hoặc 1 tín chỉ carbon rừng, được tính bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ khác.

Việc xác định giá trao đổi, chuyển nhượng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân được quy định như sau:

Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phương pháp định giá dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đối với rừng do địa phương quản lý trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Thứ ba, giá dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng làm căn cứ xác định giá khởi điểm trên sàn giao dịch carbon trong nước hoặc để thực hiện đấu giá trước khi ký hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Đối với trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng thuộc phạm vi 2 tỉnh/thành phố trở lên, giá khởi điểm là giá cao nhất từ các bảng giá do ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ban hành. Trường hợp chưa có quy định phương pháp định giá và bảng giá, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đàm phán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giá cụ thể.

Nguồn:https://vneconomy.vn/cbam-va-thi-truong-carbon-co-hoi-tai-dinh-vi-doanh-nghiep-viet.htm

HÌNH THÀNH THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH KHÍ HẬU

Việt Nam có diện tích rừng lớn với tỷ lệ che phủ cao, vì vậy có lợi thế trong việc cung cấp tín chỉ từ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng. Và như đã nói, hoạt động giao dịch, chi trả và quản lý tín chỉ carbon rừng là một trong những thành tố quan trọng của thị trường carbon Việt Nam được xác định là một cơ chế huy động tài chính khí hậu hiệu quả.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với tiềm năng lớn về carbon rừng, nhiều địa phương và khu vực tư nhân cũng đang nghiên cứu, đề xuất các dự án thí điểm khác trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để triển khai Ý định thư với Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).

Ngành lâm nghiệp cũng đang có kế hoạch triển khai nhiều dự án thương mại tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, để có thể chuyển lợi thế thành lợi nhuận hay phúc lợi thì cần khắc phục nhiều thách thức kỹ thuật và thể chế.

Thực tế thị trường carbon Việt Nam vẫn chưa hình thành; việc rà soát, kiểm kê, giám sát hấp thụ CO₂ còn hạn chế; kinh phí thực hiện dự án đánh giá carbon lớn, trong khi chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể; quy trình kiểm toán độc lập và xác thực tín chỉ carbon chưa được thiết lập rõ ràng…

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, dự thảo nghị định lần này khi được ban hành kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho thị trường carbon rừng vận hành ổn định, minh bạch, thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế.

Đây cũng là cơ hội thực sự cho ngành lâm nghiệp cả nước nói chung, các chủ rừng, tổ chức và cá nhân trồng và khai thác rừng nói riêng, trong việc tự chủ nguồn lực, kinh phí, nguồn thu thay vì lệ thuộc vào ngân sách chi trả, hỗ trợ.

Nguồn: https://vneconomy.vn/viet-nam-dang-dan-hoan-thien-khung-phap-ly-cho-thi-truong-carbon-rung.htm